Sunday, September 1, 2013

Cấu trúc hệ thống Asterisk

Cấu trúc hệ thống Asterisk
Tiếp theo của đề tài Voip cho doanh nghiệp

1. Cấu trúc thư mục của Asterisk

Asterisk sử dụng một số thư mục trong hệ thống file Linux để lưu trữ các lệnh thực thi, dữ liệu và các tham số cấu hình. Vị trí và tên các thư mục này có thể thay đổi khi ta biên dịch hệ thống (khi chạy lệnh configure trước khi make – gõ ./configure –help để xem chi tiết). Theo mặc định, Asterisk sử dụng các thư mục sau:
/etc/asterisk: Chứa các file cấu hình của Asterisk (trừ file zaptel.conf được đặt tại thư mục /etc)
/usr/lib/asterisk/modules: Chứa các module động của Asterisk server. Các module này sẽ được nạp khi chạy hoặc khởi động lại dịch vụ
/var/lib/asterisk: Chứa các file và một số thư mục dữ liệu phục vụ cho hoạt động của Asterisk như các file sound, các file thực thi kịch bản cuộc gọi, khóa mã hóa dữ liệu…
/var/spool/asterisk/: Chứa một số file và thư mục liên quan đến hoạt động của Asterisk server như lưu trữ voice mail, ghi nhớ cuộc gọi…
/var/run/: Chứa file ghi process ID của Asterisk server phục vụ việc quản lý tiến trình
/var/log/asterisk/: Chứa các file log hoạt động của Asterisk server trong đó có thư mục /var/log/asterisk/cdr-csv chứa dữ liệu phục vụ việc ghi cước sử dụng
Ngoài ra, các lệnh thực thi của Asterisk server được lưu trữ trong các thư mục của hệ thống như /usr/sbin, /user/lib

2. Các file cấu hình của Asterisk     

Ngoại trừ file cấu hình thiết bị zaptel.conf, các file chứa các tham số cấu hình của Asterisk server đều được đặt trong thư mục /etc/asterisk (theo mặc định). Asterisk sử dụng rất nhiều tham số cấu hình trong các file khác nhau để thiết lập các tham số hoạt động của dịch vụ như tham số trả lời tự động (amd.conf), tham số phục vụ ghi cước (cdr.conf), tham số mã hóa (codecs.conf). Ở đây tôi chỉ xin tập trung vào một số file cấu hình chính quyết định đến hoạt động của Asterisk server như kịch bản cuộc gọi, dữ liệu người dùng, kết nối PSTN… Các tham số khác có thể thiết lập mặc định nhờ lệnh make samples như hướng dẫn ở phần trên.
Chúng ta sẽ cần xem xét các tham số cấu hình trong các file sau:
·      zaptel.conf : Các tham số cấu hình cho trình điều khiển card giao tiếp
·      zapata.conf : Cấu hình cho Asterisk giao tiếp với phần cứng
·      extensions.conf : Thiết lập các kịch bản cuộc gọi
·      sip.conf : Thông tin cấu hình người dùng và giao thức báo hiệu SIP
·      iax.conf : Thông tin cấu hình người dùng và cuộc gọi theo kênh IAX

Chú ý khi thay đổi các tham số trong các file cấu hình trên, cần khởi động lại Asterisk server để dịch vụ hoạt động với các tham số mới.

0 nhận xét:

Post a Comment